Áo Nhật Bình là một trong những cổ phục Việt Nam từ rất xa xưa gắn liền với chiều dài lịch sử. Bên cạnh những giá trị về mặt thẩm mỹ, loại áo này còn mang trong mình những giá trị ý nghĩa về lịch sử văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên với nhiều bạn trẻ hiện nay, khái niệm về áo Nhật Bình còn khá xa lạ. Chính vì vậy, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc xuất xứ và những giá trị văn hóa ý nghĩa ẩn sâu trong mẫu trang phục cổ xưa này.
Mục Lục
Nguồn gốc lịch sử và tên gọi của áo Nhật Bình
Áo Nhật Bình là Triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai. Đây là thường phục của hoàng hậu, công chúa. Áo Nhật Bình có nguyên mẫu là dạng áo Phi Phong thời Minh, là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo.
Thường phục Nhật Bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn… tư liệu tranh ảnh đầu thế kỉ XX cho thấy bất kể hoàng hậu, công chúa hay cung tần đều vấn khăn vành, mặc áo Nhật Bình.
Nguồn gốc Áo Nhật Bình là áo Phi Phong của Minh triều Trung Hoa. Sau đó được nhà Nguyễn phát triển lên, là dạng áo Đối Khâm có cổ hình chữ nhật to bản, dùng dây buộc 2 vạt áo.
Do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, nên áo này gọi là áo Nhật Bình. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng hình tròn khép kín. Rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh. Ở tay áo đặc biệt có dải màu ngũ hành; lục, vàng, xanh, trắng, đỏ. Tuy nhiên quy chế tay dãy màu này lại không áp dụng trên loại áo Nhật Bình của bậc Hậu.
Giá trị nét đẹp văn hóa
Bên cạnh kiến trúc, phục trang cũng là một trong những di sản thể hiện rõ nhất tiến trình thay đổi của lịch sử. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này thông qua những ghi chép của các nhà sử học về phẩm phục triều nghi. Có thể thấy phục trang của người Việt trong các đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn đều có nhiều nét tương đồng với các triều đại của Trung Hoa là Hán – Đường – Tống – Nguyên.
Đây là sự học hỏi văn hóa và có cải cách sáng tạo chứ không phải là bê nguyên mẫu. Đồng thời, biểu hiện này cũng là một trong những nét đặc sắc riêng. Nó cho thấy sự tiến bộ trong nghệ thuật thiết kế phục trang của Đại Việt ta.
Sau khi triều Nguyễn kết thúc, áo Nhật Bình trở thành một di sản văn hóa và được giới quý tộc mặc vào các dịp lễ lớn, dịp đặc biệt trọng đại như lễ cưới chẳng hạn. Rất nhiều cô dâu xứ Huế đã lựa chọn mẫu áo Nhật Bình này để khoác lên mình trong ngày vui lớn của đời mình.
Hiện nay, với trào lưu hoài cổ, phục hưng văn hóa Việt, áo Nhật Bình ngày càng được nhiều bạn trẻ biết đến. Sự xuất hiện trở lại của áo Nhật Bình cho thấy sức sống trường tồn và niềm tự hào, sự yêu mến của hậu bối đối với nền văn hóa cổ của người Việt.
Đặc điểm của áo Nhật Bình
Áo Nhật Bình tuy được thiết kế lại theo nguyên mẫu của áo Phi Phong Minh Triều thế nhưng, giữa 2 mẫu áo này vẫn có nhiều sự khác biệt. Điều này vừa thể hiện được tinh thần sáng tạo và tự tôn dân tộc. Đồng thời, khắc họa rõ nét những đặc điểm văn hóa của người Việt. Minh chứng rõ nhất chính là ở hoa văn và cách bài trí, hòa phối họa tiết, màu sắc của áo. Cụ thể:
Về hoa văn
Trên một số bức họa còn lưu lại cho thấy, các đồ án hoa văn in trên áo Nhật Bình chủ yếu có dạng hình tròn khép kín. Bên trong hình tròn được thêu hình ảnh phượng ổ, loan ổ. Các hoa văn phụ phong phú hơn. Thông thường sẽ sử dụng những hình ảnh mang hàm ý tốt lành, cát tường. Ví dụ như thêu chữ Phúc, chữ Thọ bằng chỉ vàng, chỉ đỏ, thêu hoa lá, bát bửu, hoặc thủy ba (sóng nước).
Sự sắp xếp hoa văn
Các hoa văn này còn được thay đổi và sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc. Khi nhìn vào phần hoa văn có thể xác định được cấp bậc, địa vị, danh phận của người đó. Tuy nhiên, đối với áo Nhật Bình của Hoàng Hậu thì quy chế này không được áp dụng.
Ngoài hoa văn, dựa vào màu sắc áo cũng có thể phân biệt được cấp bậc của người mặc. Điển hình như áo Nhật Bình cho Hoàng Hậu sẽ có màu vàng, màu cam; Áo Nhật Bình của Công Chúa sẽ là sắc đỏ. Màu sắc của áo sẽ được làm dựa theo phẩm cấp của chồng.
Phụ kiện đi kèm
Áo Nhật Bình thường sẽ được mặc kèm theo các phụ kiện. Thường thấy nhất chính là những chiếc cúc áo nạm vàng hoặc được làm từ ngọc, đá quý. Dưới cổ tay áo lại được trang trí thêm 2 dải dây dài thả lỏng gọi là dải thùy lưu.
Vào thời Gia Long, phụ kiện đi kèm sẽ có thêm Kim ước đối với bậc Hậu phi. Thời Thiệu Trị, Kim ước này được thay thế bằng Kim phượng. Phần phụ kiện này cũng được thay đổi nhiều theo thời gian. Đến thời Nguyễn Mạt, phụ kiện đi kèm với áo Nhật Bình là khăn vành.
Áo Nhật Bình phân theo thứ bậc
Như đã nói ở trên áo Nhật Bình là 1 triều phục. Chính vì thế, trong cách mặc áo sẽ có sự phân chia thứ bậc. Thứ bậc này thường căn cứ vào phẩm cấp của chồng hoặc địa vị của người đó trong triều. “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ” có ghi chép về áo Nhật Bình phân theo thứ bậc như sau:
Áo Nhật Bình của Hoàng Hậu
Áo Nhật Bình của cấp Hậu sẽ được làm bằng chất liệu sa sợi vàng quý giá. Trên áo thêu 20 hoa văn hình rồng, phượng, trĩ, loan. Phụ kiện đi kèm gồm
Cửu long kim ước phát: 2 chiếc.
Cửu phượng kim ước phát: 1 chiếc.
Trâm phượng: 8 chiếc đều làm bằng vàng.
Đối với áo thường phục mặc hàng ngày sẽ được làm bằng chất liệu tơ Bát ti trắng. Trên áo thêu hoa văn rồng phượng.
Áo Nhật Bình của Công Chúa
Đối với cấp bậc Công Chúa áo sẽ được may bằng chất liệu sợi sa. Màu sắc chính dành cho cấp bậc này là màu đỏ. Trên áo sẽ được thêu hoa văn phượng ổ. Khi mặc sẽ đi kèm cùng các món phụ kiện như:
Thất Phượng Kim ước phát: 1 chiếc.
Trâm hoa: 12 cây.
Áo Nhật Bình dành cho cung tần
Đối với cung tần áo Nhật Bình sẽ có những khác biệt sau:
Cung tần nhị giai: Áo làm bằng vải sa, màu xích đào. Trên áo sẽ được thêu hoa văn hình loan. Đối với thường phục sẽ được làm bằng tơ Bát ti và giữ nguyên hoa văn loan ổ. Phụ kiện đi kèm gồm
Ngũ phượng Kim ước phát: 1 chiếc.
Trâm hoa: 10 cây.
Cung tần tam giai: Áo được làm với chất liệu và thêu hoa văn tương tự như cung tần nhị giai. Tuy nhiên, màu sắc sẽ được chuyển thành màu tím. Phụ kiện gồm:
Tam phương Kim ước phát: 1 chiếc.
Trâm hoa: 8 cây.
Cung tần tứ giai: Áo được làm bằng sợi sa. Đối với thường phục sẽ được may bằng tơ Bát ti trắng. Phần màu sắc sẽ chuyển sang màu tím nhạt với hoa văn hình loa. Phụ kiện đi kèm gồm:
Phượng kim ước: 1 chiếc.
Trâm cài: 8 cây.
Áo Nhật Bình và áo Phi Phong
Hai loại áo này có giống nhau không?
Về mặt nguồn gốc, Nhật Bình vốn dĩ là áo Phi Phong của Minh triều Trung Hoa được nhà Nguyễn phát triển lên. Cấu tạo cơ bản nó theo sát Phi Phong Minh và Thanh.
Về mặt kết cấu may mặc, có thể khẳng định bắt đầu từ thời kì Bắc thuộc, các dạng thức may mặc của ta đều có sự học hỏi nhất định văn hóa phương Bắc. Các dạng áo như giao lĩnh, viên lĩnh, vân vân và mây mây khác trong đó có Nhật Bình đều dựa trên kết cấu may mặc từ phương Bắc để phát triển.
Nhiều bạn nghĩ rằng chỉ thay đổi vị trí nút, viền cổ… thì nó thành Việt phục cách tân? Thực sự tư duy như vậy chưa chuẩn. Chỉ nói riêng Phi Phong của Minh – Thanh, cũng chưa có quy chế ràng buộc chặt chẽ về độ dài áo, số lượng và vị trí nút…
Nếu sau khi giản lược hóa các họa tiết Nguyễn để áo trở nên thanh cảnh hơn, vô tình đưa nó về giản tinh yếu nhất. Xin thưa, “Đại đồng tiểu dị”, vốn bản chất cái giống đã lớn vì vậy khi bạn giản lược hết các yếu tố “tiểu dị” đi thì cái áo vô hình chung sẽ trở về dạng cơ bản nhất của nó, sát với ban đầu vậy. Mà ban đầu của Nhật Bình thì ai cũng rõ, vốn là Phi Phong.
Sự khác biệt giữa áo Nhật Bình và áo Phi Phong
Người nói là khác ở viền cổ, người nói khác ở tay ngũ sắc, người nói ở hoa văn trang trí…. Theo mình, các ý đều đúng, nhưng không đủ. Vì như mình đã trình bày ở trên, Phi Phong của Minh không có quy định rõ về tiêu chuẩn may, mặc cơ bản dạng thức áo.
Vậy nên nếu họ thích họ vẫn có thể pha tay ngũ sắc (Vốn là phong cách của Thanh), Loan phượng ổ, viền cổ áo… miễn là không sai khác về kết cấu cơ bản, thì người Trung Quốc vẫn gọi đó là Phi Phong (Bạn nào tra các hiện vật áo tuồng kịch của Trung Quốc thời Thanh sẽ thấy họ chế áo Phi Phong tương tự Nhật Bình của Nguyễn đấy).
Cách để phân biệt
Xin thưa đó là “Quy chế” hay nói hoa hòe hơn là “Điển chế” được nhà Nguyễn quy định. Tức là các vấn đề về hoa văn cổ áo, thêu ổ, màu sắc, người sử dụng, lễ tiết sử dụng đều được nhà Nguyễn quy định rất rõ trong Điển chế. Cái này Phi Phong của Minh – Thanh chắc chắn không có ghi nhận.
Chính những quy định về chế độ mũ áo này nó đã tạo ra các đặc điểm đặc trưng về cả bên ngoài (hoa văn, thêu, màu sắc) và nội hàm, ý nghĩa bên trong của Nhật Bình (tác dụng của áo, giá trị của áo) và làm nên sự khác biệt, bản sắc cho áo Nhật Bình của Nguyễn triều.
Về việc cách tân áo Nhật Bình
Có thể cách tân áo Nhật Bình không?
Xin phép trả lời thẳng là “không”. Không thể có khái niệm “Nhật Bình cách tân” như hiện nay đang lạm dụng. Như đã giải thích ở trên, Nhật Bình vốn bản chất nó là loại áo lễ tiết, được hậu cung và mệnh phụ nhà Nguyễn sử dụng trong các dịp lễ lạt theo quy định rất chặt chẽ.
Các quy định này gò bó cả yếu tố màu sắc, trang trí bên ngoài và nội hàm bên trong. Nó ràng buộc vị thế của người sử dụng theo thứ bậc rất khắt khe thời phong kiến. Những điều này đã được ghi rõ trong điển chế của nhà Nguyễn. Chỉ có thỏa được như vậy nó mới được chép và quy định là “Nhật Bình”.
Nếu muốn được gọi là “Nhật Bình cách tân” chỉ trừ trường hợp nhà Nguyễn còn tồn tại (Như Hoàng gia Nhật) và thay đổi quy chế đã định từ thời trước thì việc cách tân để đổi mới quy chế cũ mới diễn ra. Tất cả những sự thay đổi về kết cấu, đồ hình, màu sắc, mục đích sử dụng khác với quy định sẽ tự động loại bỏ nó ra khỏi khái niệm “Nhật Bình”.
Điều này nói đơn giản “Y phục xứng kì đức” – “Y quan thuận chế độ”, chế độ nào điển lệ y quan ấy thì “nó” mới là “nó”. Còn thay đổi điển chế cái áo lễ chế theo bất kì hướng nào rồi nói nó là “Cách tân” đều giống như việc bạn mặc bộ đồ sô gai để làm đám cưới rồi nói đó là đồ cưới cách tân vậy.
Xu hướng thay đổi bản sắc làm mất đi tính vốn có của trang phục cổ
Nhìn lại hệ thống cổ phong chuyên nghiệp của các nước đồng văn Đông Á, mọi người sẽ nhận thấy, họ cách tân và phát triển dựa trên hệ dạng cấu trúc áo quần hoặc tập trung vào tiện phục, đồ thường. Việc cách tân các trang phục lễ nghi theo quy chế rất ít và ngày càng được loại bỏ, dần đi đến sự đúng và chân thật nhất trên mảng này. Đây là xu hướng chung mà ta cần theo.
Xét một mặt khác, việc thay đổi bản sắc văn hóa trên Nhật Bình để cách tân làm chúng ta mất đi cái đặc sắc của cha ông đã sáng tạo nên. Một phần trong tuyên truyền dễ gây lúng túng và hiểu lầm cho cộng đồng thế giới. Ví dụ như: “Dân Việt Nam mặc đồ cổ áo ngắn như Đường y của Hàn vậy (Nhật Bình cắt vạt)?”, “Sao cái áo ấy giống Phi Phong vậy (Nhật Bình giản lược hoa văn)?”… Việc này không phải là định hình văn hóa mà là làm lệch đi bản chất văn hóa của trang phục cổ Việt Nam.
Cách gọi tên áo Nhật Bình cách tân chuẩn
Như mình đã viết, hãy học các nước Đồng văn, cách tân và gọi theo dạng thức cấu trúc, các bạn hoàn toàn có thể gọi nó là áo Phi Phong Nguyễn (Bản chất đã vậy thì không cần phải từ chối, điều này cha ông cũng thừa nhận) hoặc nếu sợ việc quá giống Trung Quốc nhạy cảm thì các bạn cứ gọi nó là “áo Đối khâm theo phong cách Nguyễn”. Việc này sẽ tránh gây tranh cãi và đi giải thích thêm, vừa không gây hiểu nhầm về cổ phục Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.