Mỗi một vùng miền trên đất nước ta đều có cho mình những bản sắc văn hóa riêng biệt. Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn coi những lễ hội là dịp để thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn quý báu của nước ta. Ở Bến Tre, tuy các lễ hội không quá nhiều nhưng những lễ hội đặc trưng của vùng đất này luôn thể hiện được giá trị tinh thần của người dân nơi đây. Hãy cùng theo chân chúng tôi tìm hiểu những lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Bến Tre qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
Lễ hội truyền thống cách mạng tại xã Định Thủy
Nguồn gốc của lễ hội
Lễ hội truyền thống cách mạng được tổ chức vào 17/1 dương lịch, tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày. Các hoạt động gắn với sự kiện kỷ niệm ngày truyền thống Cách mạng Đồng Khởi 17/1/1960.
Đối với người dân Bến Tre, ngày 17-1 mãi mãi là ngày không thể nào quên. Năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa. Mở đầu bằng cuộc Đồng Khởi. Những người con anh dũng trên cả ba dải cù lao xanh của quê hương Bến Tre đã vùng lên làm cuộc Đồng khởi với mõ tre và súng gỗ vùng lên đánh Mỹ, diệt ngụy, phá bốt, diệt đồn.
Đồng khởi ở Bến Tre không chỉ là cuộc nổi dậy tay không cướp đồn địch, giành chính quyền. Đồng khởi là một quá trình. Liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, liên tục giành thắng lợi, hết đợt này đến đợt khác. Đó là một hình thức đấu tranh độc đáo, sáng tạo của cách mạng Việt Nam. Để kỷ niệm chiến thắng hào hùng đó vào ngày 17/1 dương lịch hàng năm nhân dân tỉnh Bến Tre lại tổ chức Lễ hội truyền thống cách mạng.
Các hoạt động trong lễ hội
Trước đó vào tối 16-1, đêm hội Hoa đăng sẽ được diễn ra. Đêm hội để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh. Đêm hội sẽ được tổ chức ngay trên dòng sông Bến Tre lịch sử, tại khu tượng đài Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lam – người chiến sỹ đặc công thủy huyền thoại năm nào. Hàng ngàn ngọn hoa đăng trên sông và những cảnh đánh chìm tàu giặc của đặc công thủy được phục dựng sẽ dẫn dắt người xem đi tiếp từ cảm xúc về một Bến Tre trữ tình lãng mạn trong lễ khai mạc đến với một Bến Tre của tấm lòng cảm tạ và tri ân sâu sắc đối với những chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống mảnh đất này.
Ngày Bến Tre Đồng khởi được tổ chức vào tối 17-1 tại khu Sao Mai. Đây là điểm nhấn nổi bật của cả lễ hội. Một chương trình nghệ thuật và một lễ diễu binh, diễu hành được tổ chức. Lễ hội truyền thống cách mạng mang âm hưởng chủ đạo của một bản anh hùng ca bất diệt. Tất cả được dàn dựng kết hợp giữa hình ảnh của hàng chục đài đuốc lửa và hàng trăm ngọn đuốc dừa rực cháy với âm thanh của hàng trăm chiếc trống và hàng ngàn chiếc mõ tre được phát cho những người tham dự cùng đánh tạo nên không khí sống động nhất của những ngày đồng khởi năm xưa.
Lễ hội đình Phú Lễ tại xã Phú Lễ
Hàng năm, lễ hội đình Phú Lễ diễn ra 2 lần. Đó là Lễ Kỳ Yên vào ngày 18 và 19/3 âm lịch, lễ Cầu Bông vào 10/11 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.
Phần lễ trong hội đình Phú Lễ gồm có rước sắc thần, tế lễ Thành hoàng, Tiền, Hậu hiền (người khai khẩn, khai cơ). Phần hội, đêm hội có hát bội và ca nhạc tài tử. Lễ hội cầu cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt.
Đình Phú Lễ có quy mô lớn và đẹp vào bậc nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Đình Phú Lễ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá, được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1851). Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm 10 gian: 6 gian chính và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.
Qua thời gian và chiến tranh các công trình và hiện vật bài trí bên trong đình như hương án, hoành phi, cuốn thư, bình phong… đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên không bị bom đạn tàn phá. Đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ đến hôm nay.
Ngày 7/1/1993, đình Phú Lễ được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức
Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu là lễ hội mang ý nghĩa văn hoá lịch sử. Lễ hội được tổ chức vào 1/7 hàng năm, tại khu mộ nhà thờ xã An Đức, huyện Ba Tri. Lễ hội thu hút hàng ngàn người tham dự.
Tuy không sinh ra ở đất Bến Tre, nhưng hơn một phần tư thế kỷ sống và lao động nghệ thuật cần mẫn, cứu người giúp đời, gắn bó chặt chẽ với nhân dân Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu có một uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong đồng bào Bến Tre về phương diện nhân cách, tư tưởng, văn chương. Để tỏ lòng tri ân, 1/7 hàng năm, nhân dân Bến Tre lại tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu.
Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu diễn ra với phần lễ là bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được xướng lên trong không gian trang nghiêm. Sau đó là các hoạt cảnh diễn lại tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nổi tiếng. Các hoạt động của lễ hội nhằm tưởng nhớ nhà thơ tài hoa Nguyễn Đình Chiểu.
Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi. Như thi nấu ăn, kéo co, đập niêu, hát đờn ca tài tử… Lễ hội góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ 1975 sau ngày giải phóng đến nay, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa đã đầu tư công sức, tiền bạc để tôn tạo khu vực này thành một di tích lịch sử có giá trị mang ý nghĩa giáo dục về tinh thần yêu nước, thương dân. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ có tầm cỡ của nửa sau thế kỷ XIX. Ông còn là một nhà giáo, một thầy thuốc giàu tâm huyết.
Lễ hội Nghinh Ông tại nhiều nơi của Bến Tre
Lễ Nghinh Ông, hay còn gọi là lễ tế, lễ rước, lễ cúng cá Ông. Lễ hội thường diễn ra trước mùa đánh bắt cá ở biển. Cũng như các vùng ven biển khác lễ Nghinh Ông ở Bến Tre là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn, với mong muốn đánh được nhiều tôm, cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người.
Lễ Nghinh ông ở Bến tre được tổ chức nhiều nơi. Xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) lễ được tổ chức vào ngày 20-6 Âm lịch. Xã Thừa Đức cùng huyện, lễ mở vào ngày 23-4 Âm lịch. Xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) và xã Bình Thắng (huyện Bình Đại) mở vào 15 và 16/6 Âm lịch. Trong đó lễ Nghinh Ông ở xã Bình Thắng huyện Bình Đại được tổ chức với quy mô lớn nhất.
Lễ hội Dừa
Lễ hội dừa (Festival Dừa) đã được tổ chức qua 5 kỳ vào các năm Quang Đại (2009, 2010, 2012, 2015 và 2019 ) với các hoạt động như: Trưng bày giới thiệu mua bán sản phẩm của dừa, từ những thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ đến những sản phẩm dùng trong công nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm…. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để hội thảo, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch …
Đây là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Bến Tre nhằm mục đích quảng bá cây dừa, sản phẩm dừa và tôn vinh những cá nhân trong hoạt động kinh tế – xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người thợ, người nông dân đã tạo nên những sản phẩm hữu ích trong đời sống tinh thần, vật chất, đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế – xã hội, nét đẹp văn hoá của tỉnh nhà.
Lễ hội Bến Tre luôn hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, thể hiện những giá trị văn hóa của xứ dừa, quê hương Đồng Khởi và được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.